PMK is A noBAD Friend

Posts tagged “kinh

Việt phủ Thành Chương

Mới dăm năm trước, không ai có thể tượng tượng rằng trên một quả đồi trọc ở Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 40 km, lại mọc lên một “lâu đài Việt” như vậy.

Viet phu Thanh Chuong Mot nua the ky sau

Một người bạn của tôi khi nhìn thấy Việt Phủ Thành Chương đã thốt lên: “Mình tưởng mình làm được nhiều việc, nhưng đến đây thì thấy rằng mình chưa làm được gì cả”. Đó là Việt Phủ Thành Chương.

Đã có khoảng trăm bài báo viết về nơi này. Truyền hình Việt Nam, truyền hình Hà Nội đã làm phim về Việt Phủ Thành Chương. Truyền hình cáp đã làm xong bộ phim bốn tập về Việt Phủ Thành Chương và một số vấn đề văn hóa liên quan đến Việt Phủ như kiến trúc Việt Phủ, cây trong Việt Phủ, đồ cổ trong Việt Phủ, đời sống trong Việt Phủ và chủ nhân Việt Phủ.

Người ta đã gọi chốn này bằng nhiều tên gọi khác nhau: Phủ Thành Chương, Thành Chương Biệt Phủ, Việt Phủ Thành Chương. Có lẽ cái tên Việt Phủ Thành Chương sẽ là một cái tên gọi lâu dài.

Tôi nói vậy bởi biết đâu một ngày nào đó, dù chủ nhân của nó không muốn, nhưng người ta vẫn có thể gọi một cái tên khác. Ngay bây giờ đã có nhiều người gọi Việt Phủ Thành Chương bằng những cái tên khác nhau theo ý tưởng của họ.

Có người gọi là Cổ Việt Phủ. Có người gọi là Linh Viên. Có người gọi là Vạn Linh Cổ Trại. Nghĩa là mỗi người đến đó đều cảm nhận được một điều gì đó thật sâu xa trong tâm khảm mình.

Đó không phải là một bảo tàng. Không phải một khu triển lãm. Càng không phải một trang trại. Đó là một nơi chứa đựng những gì vừa gần gũi trong không gian, vừa xa xôi trong thời gian, vừa giản dị vừa uy nghiêm, vừa thực vừa ảo.

Đó là một quần thể văn hóa sống động với những ngôi nhà cổ, bàn ghế cổ, giếng nước cổ, ấm trà cổ, cầu ao cổ và cả vạn đồ cổ hòa đồng với con người, với trâu bò, chó gà, cây trái, côn trùng, trăng gió…

Việt Phủ Thành Chương tạo ra cho những ai đặt chân đến đó cảm giác được sống cùng một lúc với hai khoảng thời gian: Hiện tại và Cổ xưa. Bây giờ, họa sỹ Thành Chương lại đang sắp hoàn thành một bảo tàng tranh với kiến trúc của ông thật độc đáo trong khu Việt Phủ này.

Sẽ độc đáo và có thể gây một “tiếng nổ” trong đời sống văn hóa người Việt chúng ta khi tôi nghe ông nói về một bảo tàng đặc biệt trong cái bảo tàng chung kia.

Đó là cái gì ? Chủ nhân đã nói cho tôi nghe và với lời hứa của mình, tôi không tiết lộ một chút gì trong bài viết này. Thời gian sẽ dần dần tiết lộ những bí mật.

Báo chí chắc chắn sẽ viết nhiều về bảo tàng đặc biệt ấy vì ở Việt Nam chưa bao giờ có một bảo tàng như thế. Thực ra tên gọi của công trình đặc biệt ấy không phải là bảo tàng.

Các nhà chuyên môn có thể gọi bằng một cái tên khác. Nhưng tên gọi có gì quan trọng đâu. Nhiều lúc hình thức chỉ là một thói quen ngôn ngữ để người ta hình dung ra nội dung. Thôi, rồi mọi sự sẽ rõ. Tôi chỉ biết nó thật đặc biệt.

Tôi đã đến Việt Phủ Thành Chương hai lần. Một lần tôi đã ngủ lại nơi này. Đó là một đêm với giấc ngủ lạ. Tôi ngủ trên một chiếc sập cổ. Quanh tôi là ánh nến chập chờn với những gương mặt của người xưa và các vị Bồ tát.

Tượng cổ và tượng Phật cổ rất nhiều.Nhiều lúc choàng tỉnh, tôi sợ một nỗi sợ mơ hồ mà lại có phần háo hức, rằng nếu ngủ say quá mà nhỡ một vị Bồ tát thấy tôi liền sai người dẫn tôi đến cõi của Ngài để đánh cho mấy roi vì vài chuyện hư hỏng của tôi, hay để dạy dỗ, mách bảo điều gì đó mà tôi và nhiều người vẫn cứ u u mê mê và cũng có thể để sai mấy việc vặt như quét sân hay đun nước pha trà buổi sớm chẳng hạn.

Trong một lần tỉnh giấc, tôi bước ra lầu và nhìn toàn cảnh Việt Phủ Thành Chương. Một câu hỏi vang lên trong đầu tôi và vẫn vọng mãi đến bây giờ: Một nửa thế kỷ sau, chốn này sẽ như thế nào?

Lúc đó, cả tôi và chủ nhân cái Lâu đài Việt này đã thành người thiên cổ. Mặc dù theo tướng số học, Thành Chương sẽ sống qua tuổi 90. Chốn này sau một nửa thế kỷ nữa sẽ như thế nào?

Thành Chương không trả lời câu hỏi của tôi. Ông im lặng. Khoảng im lặng ấy tưởng chừng đủ cho gió từ những cánh đồng ngoại ô thổi qua cái cổng ngõ Việt Phủ khổng lồ đến một thế kỷ. Có thể ông chưa nghĩ tới câu hỏi này.

Có thể ông chưa thể trả lời và cũng có thể ông lại biến câu trả lời thành một bí mật. Nếu tôi là Thành Chương, tôi sẽ biến Việt Phủ này thành một chốn có nhiều bí mật. Có thể, đôi khi không có bí mật gì lại là một bí mật.

Lúc ấy, năm mươi năm sau này, cây cối trong Việt Phủ Thành Chương hiện nay sẽ thành những cổ thụ. Những đa, những si, những lộc vừng, những hoa sữa, những đại…

Những cái cây lúc ấy sẽ không chỉ là một cái cây đơn thuần mà có thể ứng cảm được buồn vui của con người sống với nó. Lúc đó có khi cây khỏe thì người vui, người buồn thì cây ốm.

Lúc đó, những bức tường, thềm sân, bậc nhà, đường đi lát gạch đã phủ rêu thời gian để có thể nâng gót và in bóng cổ xưa. Những bức tượng và đồ cổ đã đủ thời gian để thu lại hết linh khí của mình và chầm chậm tỏa ra. Người tham quan lúc đó sẽ khác bây giờ.

Họ đến đó không phải để xem họa sỹ Thành Chương xây dựng và vẽ ra sao. Họ đến đó để ngồi xuống bất cứ chỗ nào trong phủ để nhìn lại và nghe lại những gì của trăm năm, của ngàn năm đang từ từ trở về trong tâm hồn họ. Theo tôi, đấy là điều lớn nhất mà Việt Phủ Thành Chương mang lại trong tương lai.

“Thưa họa sỹ, năm chín mươi tuổi có thể ông sẽ bắt đầu viết di chúc để quyết định số phận Việt Phủ Thành Chương, vậy ông sẽ viết như thế nào?”.

Một câu hỏi quá sớm nhưng tôi chắc rằng không phải không có lúc ông đã nghĩ đến cho dù chỉ một giây thoáng qua. Cho dù ông có dăm bảy đứa con, ông cũng không thể chia đứa này thừa kế khu nhà cổ Bắc Ninh, đứa kia thừa kế khu nhà sàn người Mường, đứa khác cái ao sen và hàng trăm ngài chó đá cổ ngoài vườn…

Nếu cứ chia như thế thì cuối cùng Việt Phủ Thành Chương rồi cũng trở lại thuở ban đầu của nó: Quả đồi hoang vu. Sau câu hỏi của tôi, ông lại ngồi im lặng.

Việt Phủ Thành Chương giờ đã thành một địa chỉ văn hóa. Ông không được phép làm Việt Phủ biến mất. Trong một nghĩa nào đó Việt Phủ Thành Chương đã tách khỏi sự độc quyền của chính chủ nhân – họa sỹ Thành Chương. Mà xét thật sâu xa, đó cũng chính là khát vọng của ông.

Ông dựng lên Việt Phủ cũng bởi chính khát vọng đó. Nếu không có khát vọng đó, ông không làm được dù ông nhiều tiền đến đâu. Vì ông không phải là người giàu có nhất Việt Nam về mặt tiền bạc.

Tôi luôn luôn tin rằng một trong những lý do xây dựng Việt Phủ Thành Chương chính là sự phá vỡ nỗi cô đơn của ông. Có thể chính nỗi cô đơn này ông không nhận ra cụ thể hoặc ông cũng như nhiều người chúng ta chối từ sự cô đơn của chính mình.

Ông nổi tiếng. Ông là một người giàu có. Ông không lúc nào hết những việc phải làm. Nhưng ông là kẻ cô đơn. Trong nỗi cô đơn của ông có cả một sự buồn tẻ nào đó.

Từ nỗi cô đơn và buồn tẻ, ông bước lên quả đồi hoang và trở thành một kẻ lao động khổ sai cho chính bản thân mình. Ông không hề hình dung được sức mạnh của sự quyến rũ cái công trình ông xây dựng sau này.

Giờ đây, ai nghe đến Việt Phủ Thành Chương đều muốn đến đó. Ông đã làm cho vùng đồi hoang vu này trở nên sống động và một không khí tâm linh đang từng ngày chiếm ngự nơi đó.

Lúc đầu, tôi nghĩ ông dựng Phủ để thi thoảng trốn phố phường ầm ĩ mà về nơi yên tĩnh của cây lá và những cổ vật. Nhưng dù bây giờ ông có muốn ông cũng không làm được thế.

Người nước trong nước ngoài đến thăm Phủ tấp nập. Vậy thì còn gì yên tĩnh nữa. Họa may chỉ có những đêm khuya hay những ngày mưa. Để được sống trong yên tĩnh đâu phải dễ dàng.

Có người bảo ông đã đày mình bằng việc xây dựng Phủ trên quả đồi hoang giờ lại đày mình bằng tiếp khách. Có người nói ông xây công trình này để khi nào được giá thì bán. Và cũng đã có người đến trả giá để mua.

Trong một giấc mộng, tôi thấy tôi trở về Việt Phủ Thành Chương một nửa thế kỷ sau ( năm 2055). Chốn ấy lúc đó uy nghi và tràn ngập một không khí linh thiêng.

Từ xa tôi thấy một vị thượng sư đang giảng đạo cho các đệ tử. Trên chiếc cổng rêu phong, bên cạnh tấm biển Việt Phủ Thành Chương có một tấm biển khác.

Tôi cầm nến soi lên và đọc thấy dòng chữ: Sóc Sơn Thiền Viện. Cả vùng đồi quanh Việt Phủ Thành Chương (Sóc Sơn Thiền Viện) đã thay đổi quá nhiều.

Những quả đồi phủ kín cây như một khu rừng. Những con đường lát đá gan gà. Hai bên đường là những khóm hoa rực rỡ. Một hồ sen lớn dưới chân đồi đang mùa hoa.

Cả không gian như được ướp bằng hương sen. Chim chóc hót vang trong những lùm cây… Trong những ngôi nhà Việt cổ ngoài những cổ vật có từ ngày khai trương Việt Phủ giờ thêm những giá sách.

Một nửa trong những số sách đó là Kinh Phật và những sách tư liệu cùng sách nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới. Tôi cũng nhìn thấy một người con của họa sỹ Thành Chương đã nghỉ hưu chuyển về Phủ ở để trông coi Việt Phủ.

Khu bảo tàng vẫn như xưa, lưu giữ những tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ Thành Chương ở tất cả các thể loại. Còn vợ ông, cô Ngô Hương xinh đẹp lúc đó là một bà già tóc trắng ngồi im lặng trong chiếc ghế nhìn ra những ngọn đồi bên cạnh.

Sau khi tỉnh mộng, tôi cứ băn khoăn mãi không biết có nên kể lại giấc mộng này cho họa sỹ Thành Chương nghe không. Giấc mộng thường cũng chỉ là giấc mộng.

Mà giấc mộng về một ngày của năm mươi năm tới cơ mà. Khoảng thời gian dài ấy làm sao mà chúng ta biết được những gì sẽ đến. Nhưng với riêng tôi thì tôi thích nằm mãi với giấc mộng ấy.

Bởi cho đến lúc này, tôi vẫn giữ quan điểm của tôi là trước khi từ giã cõi trần, họa sỹ Thành Chương nên giao Phủ của mình cho các nhà sư để giữ gìn và biến nơi đó thành nơi đọc sách, suy ngẫm và nghiên cứu Phật giáo.

Nơi đó chỉ có thể với một cái tên: Sóc Sơn Thiền Viện với dòng chữ Việt phủ Thành Chương để trong ngoặc đơn. Nếu không… nơi ấy sẽ trở về thuở ban đầu của nó: Những quả đồi hoang trọc.

Nguyễn Quang Thiều


Bí ẩn ngày tận thế

Sách cổ và các nhà tiên tri

Bộ phim bom tấn “Ngày tận thế 2012” của đạo diễn Roland Emmerich thực hiện vào năm 2009 đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Ngày tận thế 2012 – Khoa học hay chỉ là sự tưởng tượng? Chúng tôi xin đăng tải loạt bài viết liên quan vấn đề này của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Người Maya: 21/12/2012 là ngày tận thế

Theo quan niệm của người Maya, một dân tộc đã từng làm nên một nền văn minh rực rỡ ở Trung Mỹ thời cổ đại, thì ngày 21/12/2012 sẽ là ngày kết thúc chu trình lịch thứ 13, kỷ thứ IV – đó là ngày tận thế để sau đó thế giới sẽ mở ra một chương mới.

Họ đã tính được độ dài của một tháng âm lịch là 29,53025 ngày, chênh lệch 34 giây so với con số mà khoa học ngày nay tính được và chính xác hơn nhiều so với hệ lịch Gregory mà chúng ta đã đã dùng 500 năm nay.
Ngoài việc kết thúc chu trình lịch thứ 13, tiên đoán của người Maya cho năm 2012 là: ban ngày sẽ kết thúc, bóng đêm bao trùm Trái đất; Loài người không phải bị tiêu diệt mà bước vào một thời kỳ phát triển mới, trở nên khôn ngoan hơn.

Kinh thánh: Ngày tận thế là một trận đại hồng thủy. Sách Khải huyền 16:13 -16 trong Kinh thánh cũng đề cập đến Trận chiến cuối cùng trên đỉnh đồi hư cấu Armageddon nhìn xuống đồng bằng Megiddo ở Israel. Tại đó sẽ xảy ra trận đánh kết thúc mọi trận đánh giữa một bên là những người chấp nhận Chúa Jesus và một bên không chấp nhận Chúa. Ngày tận thế sẽ là một trận đại hồng thuỷ dự kiến sẽ đến sau trận chiến đó.Tuy nhiên, Kinh thánh không đề cập một cách trực tiếp đến thời gian cụ thể của ngày tận thế. Để biết được thời điểm chính xác thì phải chăng Kinh thánh mã hoá ở đâu đó? Gần đây, dựa trên một nghiên cứu của ba nhà toán học Do Thái về việc phân tích các ký tự trong sách Sáng thế đăng trên một tạp chí khoa học rất uy tín, kết luận của cuốn sách bán chạy nhất thế giới “Mật mã kinh thánh II” của M.Drosnin là: “Thiên chúa sẽ huỷ diệt Trái đất vào năm 2012”.Ngoài thông tin về ngày tận thế, Mật mã kinh thánh còn đưa ra nhiều thông tin khác như tên của 66 nhà khoa học tài năng xuất hiện trong đó. Đặc biệt là sự kiện thủ tướng Israel, Rabin bị ám sát vào năm 1995. Drosnin đã cảnh báo việc này tới Rabin nhưng không có kết quả. Sau đó Rabin bị một sinh viên của Đại học Bar-Ilan (một trường đại học mộ đạo) tên là Amir ám sát. Tên của Amir sau đó cũng được tìm thấy ở một mã hoá gần đó.

Kinh dịch: Ngày tận thế chậm một ngày so với dự đoán của người Maya. Ám ảnh về năm 2012 có lẽ là nguyên nhân để một số người cố gắng tìm kiếm các dấu hiệu từ các nền văn minh khác. Nhà nghiên cứu T.McKenna đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu Kinh dịch của Trung Quốc. Ông cho rằng, 64 quẻ của Văn Vương tương ứng với bộ lịch âm 384 ngày đã từng được người Trung Quốc sử dụng.Bí ẩn ngày tận thế: Sách cổ và các nhà tiên tri - Tin180.com (Ảnh 2)

Mỗi quẻ có 6 hào, lấy 64 quẻ nhân với số hào sẽ ra số 384. Số này chính là tích của 29,53 (số ngày trong một tháng âm lịch) nhân với 13 (số tháng trong một năm âm lịch). McKenna tin rằng, Kinh dịch biểu diễn dòng chảy thời gian, từ đó ông thiết lập biểu đồ các sự kiện lịch sử lớn trong đó các thời đại có trình độ đổi mới cao được biểu diễn bằng các đỉnh, các thời đại có trình độ đổi mới thấp nằm ở các lõm.Ông thấy rằng, các điểm lồi lõm xuất hiện lặp đi lặp lại tuy nhiên tần số của của chúng tăng dần chứ không phải cố định. Ông gọi là các sóng thời gian. Dựa trên các phân tích đó, McKenna đưa ra giả thiết về ngày kết thúc của thế giới vào 22/12/2012, chậm hơn 1 ngày so với dự đoán của người Maya.

Ngày 6/6/2012 cũng được dự đoán

Kalki Bhagavan, một nhà hoạt động tôn giáo nổi tiếng người Ấn Độ, tự xưng là hiện thân thứ 10 và cuối cùng của thần Vishnu (là một trong ba vị thần tối cao của Đạo Hindu) cũng thông báo rằng năm 2012 là năm khổ đau và nhiễu nhương của loài người nhưng sau đó thời hoàng kim sẽ bắt đầu.
Kalki Bhagavan gắn dự đoán với chuyển động của Sao Kim.Từ Trái đất có thể thấy Sao Kim chuyển động cắt ngang Mặt Trời ít nhất mỗi thế kỷ 2 lần. Lần cuối cùng nó chuyển động như vậy vào ngày 8/6/2004 và lần tiếp tới sẽ là ngày 6/6/2012. Theo truyền thuyết trong kinh Vệ Đà được người theo Ấn Độ giáo và Phật giáo tôn thờ thì sao Kim trong tiếng Phạn gọi là Shukra, có nghĩa là “tinh dịch”.Được coi là một người đàn ông bị nữ hoá, học được cách chống lại Chúa trời. Shukra được gán với tên của ngày thứ sáu trong tuần. Trong thần học Hindu, sao Kim quản số 6, do đó, việc sao Kim cắt ngang Mặt Trời vào ngày 6/6/12 (chú ý: 12 = 6 + 6) sẽ gây biến cố lớn cho nhân loại.

Hiểm họa gây tuyệt chủng

Các hiểm họa đe dọa đến sự tồn vong của con người rất nhiều. Chúng có thể đến từ nơi xa xôi nào đó trong vũ trụ rộng lớn, từ Mặt Trời, từ hoạt động liên tục của vật chất trong lòng Trái Đất, thậm chí nó có thể đến từ chính bản thân con người qua các hoạt động chiến tranh hoặc sự ngu dốt.
Hàng loạt và thường xuyênCác hiểm họa, khi đã xảy ra, sẽ dẫn đến sự tiêu diệt gần như tức thời và hàng loạt của các loài sinh vật. Vậy khoa học đã có bằng chứng nào về điều này chưa?

Năm 2001, hai nhà vật lí ở Đại học Bekerley là R.A.Rohde và R.A.Muller đã công bố trên Tạp chí Nature những bằng chứng tin cậy về sự tuyệt chủng hàng loạt đã xảy ra thường xuyên và có quy luật với chu kì 62 – 65 triệu năm một lần.

Lần gần đây nhất là vụ tuyệt chủng của loài khủng long cách đây 65 triệu năm. Chúng ta đang hoặc sắp đến gần thời hạn tới cho lần tuyệt chủng tiếp theo trên Trái đất. Sự tuyệt chủng này có liên hệ đến ngày tận thế chăng?

Hiểm họa đến từ Trái Đất...

Bí ẩn ngày tận thế: Hiểm họa gây tuyệt chủng (II) - Tin180.com (Ảnh 1)

Siêu núi lửa Yellowstone

Một ví dụ về hiểm họa đến từ Trái Đất, với quy mô lớn hơn có thể gây tuyệt chủng hàng loạt là đợt sóng thần đã cướp đi 230.000 ngàn sinh mạng vào năm 2004 do động đất ở Ấn Độ Dương. Đó là một trong những hiểm họa thiên nhiên đến từ Trái Đất gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nó sẽ không là gì nếu so sánh với siêu núi lửa Yellowstone, nằm phần lớn ở Bang Wyoming, Hoa Kỳ, nếu nó hoạt động, đây là núi lửa nguy hiểm nhất thế giới.Nếu nó phát nổ thì toàn bộ khí quyển trên Trái Đất sẽ bị bao phủ bởi axit sulfuric, khói, bụi và đưa hành tinh của chúng ra vào mùa đông lạnh giá làm cho nền văn minh của con người quay trở lại điểm xuất phát. Các nghiên cứu cho thấy, núi lửa này đã phun trào ít nhất 100 lần, trong đó 3 lần dữ dội có thể gây thảm hoạ cho một nửa Trái đất (chu kỳ phun trào từ 600 – 700 ngàn năm). Lần phun trào gần đây nhất vào 640 ngàn năm trước. Theo chu kỳ đó thì chúng ta đang đợi chờ một trận bùng nổ tiếp theo.

Một nghiên cứu gần đây của Nasa phát hiện một điểm nóng – ổ dung nham có kích thước to bằng TP Tokyo nằm dưới núi lửa này đang chực bùng nổ. Các tín hiệu cho thấy, nó sắp bùng nổ là: ổ dung nham tăng khoảng 0,75m kể từ 1992, đây là một con số cực lớn trong thước đo thời gian địa chất chỉ khoảng mm/thế kỷ; Nó nằm cách mặt đất 20km, chỉ bằng 1/10 so với độ sâu của các ổ dung nham khác, nếu thế thì một nhóm khủng bố đặt quả bom hạt nhân ở núi lửa này có thể kích hoạt sự phun trào; Sự hoạt động của ổ dung nham mạnh đến mức làm chao đảo cả hồ Yellowstone ở trên nó về phía nam khiến cho nước trong hồ trào ra ngoài làm ngập cây cối ở vùng xung quanh.

… và từ đảo cực từ trường

Từ nhỏ chúng ta được dạy các kiến thức cơ bản về Trái Đất hình cầu, bầu khí quyển có oxy để con người hô hấp, tầng khí quyển có ozon để tránh tia cực tím… Tuy nhiên, một kiến thức rất quan trọng đó là Trái Đất có từ quyển, một cái khiên che chở cho các loài sinh vật bên dưới khỏi sự bắn phá không ngừng của các tia vũ trụ thì hầu như không được dạy. Dù bạn có biết hay không thì cái khiên từ trường sinh ra bởi lõi kim loại từ tính nóng chảy trong nhân Trái Đất vẫn kiên trì gạt các hạt proton và điện tử đến từ Mặt Trời thành những vành đai vô hại để bảo vệ chúng ta.

Bí ẩn ngày tận thế: Hiểm họa gây tuyệt chủng (II) - Tin180.com (Ảnh 2)Từ trường Trái đất cũng là một hiểm họa gây tuyệt chủng hàng loạt.

Vấn đề ở chỗ là đường sức của từ trường Trái Đất hiện đang theo hướng Bắc – Nam sẽ đổi chiều ngược lại tức là theo hướng Nam – Bắc. Trong quá khứ, từ trường Trái Đất đã nhiều lần bị đảo. Nghiên cứu về mẫu lõi đá và trầm tích chỉ ra rằng, lần đảo từ cuối cùng xảy ra cách đây 780 ngàn năm. Thời gian đảo cực từ kéo dài hàng trăm năm.Người ta phát hiện sự suy yếu của từ trường Trái Đất thời gian gần đây có thể là dấu hiệu của sự đảo từ trường. Trong quá trình đảo chiều Bắc – Nam thành Nam – Bắc thì sẽ có thời điểm Trái Đất có vô số cực từ như vậy la bàn sẽ chỉ mọi hướng, các loài sinh vật di chuyển dựa vào từ trường Trái Đất sẽ mất phương hướng không thể di chuyển đến nơi có thức ăn, cường độ các cơn bão, lốc xoáy tăng lên và đặc biệt là các sinh vật ở Trái Đất có thể bị ảnh hưởng bởi các tia vũ trụ. Đây là một hiểm họa gây tuyệt chủng hàng loạt.


Cà rốt, trứng và cà phê

Cô con gái hay than thở với cha: sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình, và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.

Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi, không nói một lời.

Người con gái sốt ruột không biết cha cô đang định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.

Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ”, cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.

– Điều này nghĩa là gì vậy cha? – cô gái hỏi.

– Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.

Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.

Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.

Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.

Người cha quay sang hỏi cô gái: Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.

Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?

Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.

Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.

Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?

Petalia