PMK is A noBAD Friend

Posts tagged “ngàn

Pin cho máy ảnh cổ xưa

Các công nghệ sản xuất pin

Pin ô-xít thủy ngân (Mercury) : loại pin này được sử dụng rộng rãi cho rất nhiều máy ảnh cổ điển trong những thập niên 60 và 70 cho các hệ thống đo sáng CdS (cadmium sulfide). Những pin này cho dòng 1.35V ổn định trong suốt thời gian sử dụng. Điều này khiến máy ảnh không cần mạch điều chỉnh điện thế, khiến giá thành sản xuất giảm đáng kể. Không may là loại pin này bị cấm tại Mỹ trong thập niên 80 và đã ngừng sản xuất.

Pin ô-xít mangan (Alkaline): Loại này cho dòng 1.5V giảm nhanh theo thời gian sử dụng. Chúng có sức điện động lớn nên không thể xả nhanh. Điều này làm giảm tính hữu dụng khi sử dụng với các thiết bị như flash hay motor drive.

Pin ô-xít bạc: Từ thập niên 70, các nhà sản xuất máy ảnh bắt đầu chuyển sang dòng pin ô-xít bạc loại “cúc áo”. Những pin này cho dòng 1.55V giảm dần theo thời gian sử dụng – không giảm nhanh như các pin alkaline, nhưng nhanh hơn pin ô-xít thủy ngân. Do đó các máy ảnh phải sử dụng thêm “mạch cầu” để giảm ảnh hưởng của việc giảm điện thế.

Pin lithium: Tới thập niên 90, ngay cả những máy ảnh tương đối thuần cơ khí như Leica M7 cũng cần tới nguồn vì chúng có các bộ xử lí phức tạp. Các nhà sản xuất máy ảnh bắt đầu đẩy mạnh sử dụng các pin lithium. Sựa trên hóa chất kim loại nhẹ, các pin lithium có dung lượng rất lớn so với kích thước của chúng – gấp nhiều lần pin alkaline hay pin ô-xít bạc. Chúng hoạt động ở môi trường lạnh tốt hơn và có tuổi thọ trên 10 năm. Điểm không hay duy nhất là lithium gây ô nhiễm, nên bạn hãy vứt bỏ các pin lithium tại các trung tâm tái chế được cấp phép.

Pin sạc: các pin Nickel-cadmium (NiCad) đang bị thay thế dần bởi các pin sạc loại mới hơn là Nicek-Metal-Hydride (NiMH). Với cùng kích cỡ AA phổ thông, các pin NiMH có thể có dung lượng tới 2400mAH. Không như các pin alkaline, loại NiMH có sức điện động thấp nên rất lý tưởng khi dùng cho flash (cảnh báo: không phải flash nào cũng tương thích với các pin NiCad/NiMH).

Các loại pin cho máy ảnh cổ điển

(Dưới đây chỉ liệt kê các loại pin đã ngừng sản xuất và giải pháp thay thế chúng cho các loại máy khác nhau.)

Pin PX-27 (tên khác: EPX27, V27PX, 4NR43)
Thông số:

– Dung lượng: 5.6V
– Loại: Mercury Silver
– Kích thước: …
– Tình trạng: ngừng sản xuất

Dùng cho các máy: Minox 35 GLMinox

Giải pháp thay thế:

1) Dùng 4 pin SR44 1.5V, hoặc PX-28A hoặc PX28S cho các máy không bị ảnh hưởng bởi chênh lệch điện thế.
2) Dùng bộ chuyển cho Minox 35 để dùng pin SR44.


Pin PX-32 (tên khác: Eveready TR164, E164, Varta 164PX, National/Panasonic HM-4N, Rayovac RPX-32, ANSI 1404M, IBC 4NR52)
Thông số:

– Dung lượng: 5.6V
– Loại: Mercury Silver
– Kích thước: nặng 36g, đường kính 17.0mm, cao 44.5mm
– Tình trạng: ngừng sản xuất

Dùng cho các máy: Yashica GSN

Giải pháp thay thế:

1) Rất nhiều máy ảnh, bao gồm cả dòng GSN, có thể dùng pin alkaline loại PX-28A 6V kèm theo 1 lò xo để bổ sung phần thiếu trong hộc pin.
2) Dùng 4 pin LR44 1.5V
3) Dùng PX-32A
4) Một vài máy (không phải máy GSN) cần hiệu chỉnh mạch đo sáng do sai khác giữa nguồn 5.6V và nguồn 6V
5) Dùng bộ chuyển để dùng cho pin PX-28A. Các bộ chuyển này có chứa đi-ốt để hạ dòng xuống 5.6V


Pin PX-400 (tên khác: Energizer E400N, ANSI 1116M, IBC MR42)
Thông số:

– Dung lượng: 1.35V
– Loại: Mercuric Oxide
– Kích thước: nặng 1.40g, đường kính 11.6mm, cao 3.6mm
– Tình trạng: ngừng sản xuất

Dùng cho các máy: Asahi Pentax Spotmatic SP, SPII, SPIIa

Giải pháp thay thế:

1) Dùng pin Energizer E387S 1.55V
2) Các pin nói trên dùng được với Spotmatic vì các máy này có mạch cầu điều chỉnh điện thế, với các loại cũ hơn có thể có vấn đề.
3) Dùng bộ chuyển CRIS H-B và pin bạc 377. Bộ chuyển này có đi-ốt hạ điện thế, mặc dù với các máy Spotmatic là không cần thiết.
4) Các pin kẽm-khí (Zn/O²) có điện thế ổn định khi sử dụng nên có thể dùng được cho nhiều máy ảnh cổ. Điểm bất lợi là dòng pin này chỉ sống được vài tháng.


Pin PX-625 (tên khác: Eveready E625, ANSI 1123M, IBC MR9 PX13, EPX13, H-D, 1124MP, EPX625)
Thông số:

– Dung lượng: 1.35V, 450mAH
– Loại: Mercuric Oxide
– Kích thước: nặng 4.20g, đường kính 16.0mm, cao 6.2mm
– Tình trạng: ngừng sản xuất

Dùng cho các máy: Canon Canonet, Miranda Sensorex, Yashica Lynx 14, Yashica-Mat 124/124G

Giải pháp thay thế:

1) Nhiều máy có thể sử dụng trực tiếp pin PX-625A (còn gọi là Energizer E625G) 1.5V
2) Một số loại khác dùng PX-625A với cách hiệu chỉnh cho mạch đo sáng. Nếu khéo tay thì bạn cũng có thể tự làm.
3) Dùng pin kẽm-khí.
4) Dùng bộ chuyển và pin 386. Các bộ chuyển này có chứa đi-ốt để hạ dòng xuống điện thế yêu cầu.


Pin PX-640
Thông số:

– Dung lượng: 1.35V
– Loại: Mercuric Oxide
– Kích thước: nặng 7.94g, đường kính 15.9mm, cao 11.2mm
– Tình trạng: ngừng sản xuất

Dùng cho các máy: Minolta Hi-Matic, Yashica GX, Nikon F meter

Giải pháp thay thế:[INDENT]1) Máy Yashica GX có thể dùng pin SR44 1.5V có chèn thêm lá đồng
2) (có thể Hi-Matic cũng dùng được LR44)
3) Làm thiết bị chuyển theo hướng dẫn của Paul Birkeland-Green cho Nikon F meter. (paulbg com/Nikon_F_meter_batteries h t m)

Pin PX-675 (tên khác: EPX675, RPX675, KX675, HD675, MR44, H-C)
Thông số:

– Dung lượng: 1.35V, 210mAH
– Loại: Mercuric Oxide
– Kích thước: đường kính 11.6mm, cao 5.4mm
– Tình trạng: ngừng sản xuất

Dùng cho các máy: Petri Color 35, Konica T3, Konica Autoreflex A, Konica T2, Konica Auto S3

Giải pháp thay thế:

Một số máy có thể dùng pin SR55 1.5V có cùng chiều cao, nhưng đường kính bé hơn 1 chút.

 

nguồn: photoethnography. com/ClassicCameras/index-frameset html?batteries. h t m l~mainFrame
tác giả: Karen Nakamura
Ghi chú: các review của Karen Nakamura thường có tuyên bố cấm sao chép, tuy nhiên ở trang này không thấy tuyên bố bản quyền nên chắc là tham khảo được.


Nậm Cang xanh giữa đại ngàn Hoàng Liên

Tôi có may mắn là được đến Nậm Cang khá nhiều lần, từ trước khi đề án xây dựng xã Anh hùng được hình thành. Lần nào đến cũng có ấn tượng mới về cuộc sống kinh tế – xã hội của một xã nằm hút sâu trong điệp trùng núi Hoàng Liên.

Khoe chuyện về Nậm Cang với bạn bè làm báo ở thủ đô, có người hỏi: “Ơ thế trong dãy núi danh tiếng đó vẫn có bản làng à, tưởng chỉ toàn là rừng thôi chứ?”. Tôi giải thích với bạn: Nhìn từ Sa Pa thì dãy Hoàng Liên tưởng như chỉ là một bức trường thành chạy ngang. Nhưng nhìn theo chiều dọc, thì núi có ngọn Phan Xi Păng là dãy cao nhất, nằm giữa, còn xung quanh mỗi bên Đông – Tây đều có từ 3 đến 5 lớp núi thấp dần, không phải chỉ có mỗi một bức trường thành thôi đâu. Những người leo núi chinh phục Phan Xi Păng thấy rất rõ điều này. “À ra thế” – bạn mỉm cười và hẹn một ngày quyết tâm chinh phục Phan Xi Păng – nóc nhà Đông Nam Á. Còn tôi thì thuyết phục bạn khi nào đến với Lào Cai – Sa Pa, thì hãy cùng tôi về Nậm Cang một chuyến. “Nậm Cang – địa danh nghe lạ lạ”. Vâng, còn khá xa lạ với người vùng khác, nhưng với tỉnh Lào Cai thì đó là một xã Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội

trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho đại diện nhân dân và cán bộ xã Nậm Cang.

Nậm Cang nằm ở phía Nam của dải Hoàng Liên kỳ vĩ. Từ trung tâm xuôi về phía đầu dốc Bản Dền, rồi qua Bản Hồ, qua ngã ba suối linh thiêng hợp lưu 2 ngọn suối hình thành tên ngòi Bo, rồi qua Thanh Phú yên bình, vượt qua Nậm Sài là đến Nậm Cang. Hình dung ra thì chính là len lỏi qua các lớp núi bên ngoài để tiến vào lớp núi trong cùng – chính là lớp có đỉnh Phan Xi Păng. Ở Nậm Cang cũng có ngọn núi cao tới 2.800 mét.

Nậm Cang nằm hút sâu trong lớp núi giữa ấy, phía tây là xã Bản Hồ, rồi thêm một bước nữa đã là đất Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía nam, vượt qua ngọn núi Ngựa Đá là sang đất Văn Bàn. Thực tế thì Nậm Cang cách “thành phố trong sương” Sa Pa tới 42 cây số. Những năm trước đây, cuộc sống vô cùng khó khăn, nguồn sống chỉ trông chờ vào sản xuất lúa 1 vụ, nhưng ruộng nước rất ít, nên nhân dân phải phá rừng làm nương, trồng ngô, lúa nương. Năng suất thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, mù chữ nhiều, các tập tục lạc hậu phổ biến, có thời điểm có tới 30% người nghiện thuốc phiện. Nậm Cang trước đây là xã nghèo đói lạc hậu nhất Sa Pa. Nhưng cuộc đời đổi mới, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với xã vùng sâu này đúng là ánh sáng xua tan dần bóng tối. Đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây, các chương trình trọng tâm của tỉnh, của Nhà nước hướng về cơ sở là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho Nậm Cang đổi thay. Về kinh tế, Đảng bộ và nhân dân xã quyết tâm thực hiện phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Xóa bỏ diện tích lúa nương, phát triển chăn nuôi, đặc biệt là sản xuất lâm nghiệp, bảo vệ và khai thác hợp lý, kết hợp trồng thảo quả đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tỷ lệ tán che phủ rừng của Nậm Cang đạt tới 70%. Không để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Diện tích thảo quả dưới tán rừng được tăng dần, cho đến nay đã có gần 600 ha.

Mùa vàng Nậm Cang.

Câu chuyện về thảo quả Nậm Cang làm nhiều người ngạc nhiên. Thì đây, chuyến này vừa vào xã, bí thư Đảng ủy Tẩn Vần Phẩu đã cho biết ngay: “Vụ thảo quả vừa rồi, có gia đình thu tới 6 tấn đấy, nhà báo ạ”. Thử làm một phép tính đơn giản: Giá thảo quả trung bình 70 triệu một tấn, nhân với 6 tấn, thành ra gia đình đó thu được 420 triệu đồng/một vụ thảo quả. Đây là mơ ước không chỉ của người dân vùng cao, mà người thành phố, người thủ đô cũng mong ước. Gặp chúng tôi, anh Tẩn Sành Quẩy, chủ nhân của gần nửa tỷ đồng một năm ấy cười rất vui: “Cũng là nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước thôi, chính sách hỗ trợ cho người dân Nậm Cang không bị đói, rồi yên tâm làm ăn, rồi quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, rồi làm giàu”.

Ở Nậm Cang ngày càng nhiều người làm kinh tế giỏi, trở nên giàu có, như anh Sùng A Tố, người Mông, thôn Nậm Than; anh Tẩn Sành Chiêu, người Dao, thôn Nậm Cang. Gặp Sùng A Tố, tôi còn được biết anh là nhà giáo, Hiệu phó trường tiểu học của xã. Dịp này, anh và các nhà giáo vùng cao đang được tuyên dương.

Giờ thực hành của học sinh Nậm Cang.

Nậm Cang có 2 dân tộc cùng chung sống là Dao và Mông, gặp ai cũng tươi nụ cười. Thì đây, trụ sở xã đã được xây dựng khang trang dưới chân núi Ngựa Đá, rồi các nhà trường đều đã được xây kiên cố, 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, có các phòng học vi tính, học ngoại ngữ được lắp đặt thiết bị hiện đại. Tỷ lệ chuyên cần luôn đạt gần 100%. Y tế xã được công nhận đạt chuẩn từ năm 2007. Bộ mặt nông thôn sạch đẹp, đường liên gia được đổ bê tông toàn bộ từ sân nhà ra đến đường, chỉ còn chờ “đường cái” do Nhà nước làm nữa thôi. Và đây cũng là băn khoăn duy nhất còn lại, bởi ở thời điểm viết bài ghi chép này, đề án xây dựng xã Anh hùng đã gần tới đích, mà con đường trung tâm xã vẫn lổn nhổn đá, không tương xứng với thành quả phát triển kinh tế – xã hội và tầm vóc của một địa phương Anh hùng.

Tuy nhiên, cảm xúc chủ đạo vẫn là niềm vui và ấn tượng về Nậm Cang giàu mạnh, ai cũng vui lây. Trong khuôn khổ một bài báo làm sao nói hết được tinh thần phấn khởi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã khi đời sống được đổi thay, thời lạc hậu đói nghèo đã lui vào quá khứ. Hơn ai hết, đồng bào người Dao, người Mông ở Nậm Cang biết ơn Đảng nhiều lắm.

Cuộc sống lên xanh, không còn héo hắt như xưa nữa. Nậm Cang xanh giữa đại ngàn Hoàng Liên.

Mã Anh Lâm