PMK is A noBAD Friend

Những lưu ý khi dùng ống kính M42

Việc sưu tầm và sử dụng ống kính M42 (một định dạng ống kính máy phim cũ) trên máy ảnh DSLR trở thành một trào lưu trong giới chơi ảnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, có những lưu ý về việc sử dụng ống kính M42 trên từng dòng máy DSLR.

Canon

Để sử dụng một ống kính M42 trên thân máy DSLR, cần có một ngàm chuyển đổi (mount) M42 tương ứng với thân máy ấy. Ở Việt Nam, ngàm chuyển đổi M42 – Canon EOS xuất hiện sớm nhất.

Ngàm M42 – Canon EOS có hai loại, loại thường và loại có gắn chip điện tử báo nét (AF confirm). Với loại thường, người dùng ống M42 sẽ phải tự căn chỉnh điểm nét bằng mắt. Với loại có chip điện tử, khi xoay tiêu cự đến đúng điểm nét, thân máy sẽ báo hiệu bằng một điểm sáng trong kính ngắm và tiếng kêu “píp”.

 

Ngàm M42 – Canon EOS có gắn chip báo nét.

Các ống kính M42 hầu như không gặp vấn đề gì về vận hành khi lắp trên thân máy DSLR Canon EOS thông qua những ngàm chuyển đổi này. Ngàm M42 – Canon EOS loại thường có giá khoảng 10 USD, trong khi loại gắn chip là 40 USD. Cả hai loại ngàm này có thể tìm mua dễ dàng ở Việt Nam, tại các cửa hàng linh kiện máy ảnh hoặc qua các diễn đàn nhiếp ảnh.

Dễ tìm ngàm chuyển đổi và hoạt động tốt, có thể nói ở Việt Nam các thân máy DSLR Canon là lựa chọn tối ưu cho người sử dụng ống kính M42. Tuy nhiên, với thân máy của các hãng khác, việc sử dụng ống kính M42 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Pentax

Tất cả các thân máy DSLR của Pentax đều được trang bị một tính năng rất hữu ích đối với người sử dụng ống M42: báo nét cho tất cả các ống kính cơ. Với tính năng này, người dùng ống kính M42 trên máy DSLR Pentax hoàn toàn không cần đến một ngàm chuyển đổi có gắn chip, vốn khá đắt đỏ.

Dù vậy, ở Việt Nam, việc sử dụng ống kính M42 trên thân máy DSLR Pentax hoàn toàn không phải chuyện đơn giản. Vấn đề xoay quanh ngàm chuyển đổi M42 cho dòng máy này.

 

Ngàm M42 – Pentax loại “cận” (trái) và “không cận” (phải).

Ngàm M42 – Pentax được phân biệt rõ ràng làm 2 loại: loại “cận” và loại “không cận”, còn được gọi là loại “rởm” và loại “xịn”.

Ngàm loại “cận” có một vành kim loại phía ngoài, làm tăng khoảng cách giữa ống kính và thân máy thêm khoảng 1mm. Điều này khiến các ống M42 lắp vào thân máy DSLR Pentax qua ngàm “cận” chỉ có thể lấy nét từ vài m trở lại, không đạt đến vô cực. Loại ngàm này có thể tìm mua không khó với giá 10USD. Ngàm “không cận” không có vành kim loại ở phía ngoài nên không gây hiện tượng “cận” ở ống kính M42. Tuy nhiên, loại ngàm này rất khó kiếm ở Việt Nam.

Sony

Ở Việt Nam, ngàm chuyển đổi M42 – Sony trên thị trường hầu như chỉ có loại thường (không gắn chip báo nét), giá khoảng 10USD. Loại có gắn chip thi thoảng mới gặp ở dạng hàng xách tay với giá rất cao.

 

Ngàm M42 – Sony.

Ống kính M42 lắp trên DSLR Sony qua các ngàm này không bị cận. Nhưng vẫn có một điểm lưu ý quan trọng cho những người sử dụng ống kính M42 trên máy DSLR của Sony. Trong số tất cả các mẫu DSLR Sony ra mắt trước tháng 8/2010, chỉ có hai mẫu máy A100 và A700 chụp được với ống kính M42 ở mọi chế độ (A, S, P, M…).

Các mẫu máy còn lại (A200, A230, A290, A300, A330, A350, A380…) chỉ chụp được ở chế độ M (Manual – chỉnh tay hoàn toàn). Ở chế độ này, người chụp phải đo sáng theo kiểu “thủ công” thông qua thước đo sáng hiện ra dưới khung kính ngắm.

Nikon

Ngàm chuyển đổi M42 – Nikon không xuất hiện phổ biến ở Việt Nam. Người dùng máy ảnh DSLR của Nikon cũng ít khi dùng ống kính M42, vì gần như tất cả các ống kính này đều bị “cận” khi lắp vào máy ảnh DSLR Nikon.

 

Ngàm M42 – Nikon.

Tuy vậy, hạn chế này cũng không phải là vấn đề quá lớn đối với những người dùng DSLR Nikon biết tận dụng ống kính M42. Dù không thể lấy nét ở vô cực, nhưng khoảng cách vài m trở lại cũng là quá đủ đối với những ống kính M42 tele chủ yếu dùng để chụp ảnh chân dung. Với những ống kính M42 góc rộng, việc khép khẩu độ thật sâu sẽ giải quyết được vấn đề.

Leave a comment